Hội thảo được tổ chức dành riêng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may trước xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững.
Xanh hóa ngành dệt may đang là cuộc đua của nhiều nhãn hàng may mặc trên thế giới với hàng loạt các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường được đưa vào áp dụng cho các nhà cung cấp.
Với các quy định ngày càng khắt khe hơn của các thị trường nhập khẩu may mặc lớn như châu Âu và Mỹ khiến cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đứng trước nguy cơ khó giữ được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu nếu không thực hiện đầu tư chuyển đổi.
Hội thảo dự kiến quy tụ 100 đại diện từ các doanh nghiệp dệt may, hiệp hội, doanh nghiệp tài chính, năng lượng ...
Tại Hội thảo, đại diện từ Phòng Công nghiệp và Thương mại CHLB Đức (AHK) sẽ đưa ra bức tranh toàn cảnh về các thị phần dệt may hiện nay trên thế giới cũng như xu hướng gia tăng tính tuần hoàn và xanh hóa ngành dệt may mà nhiều thị trường đang dần triển khai các quy định đánh giá.
Từ đó gợi ý những tầm nhìn định hướng cho doanh nghiệp dệt may Việt, hướng tới xu hướng tiêu dùng xanh, ứng xử có trách nhiệm với môi trường, lao động, nhân quyền.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã đưa ra các mục tiêu xanh hóa tới năm 2023 cho các doanh nghiệp thành viên, góp phần vào mục tiêu chung của quốc gia giảm phát thải khí nhà kính.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Vitas chia sẻ: “Chi phí đầu tư cao nhưng chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy này nếu muốn tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên thị trường xuất khẩu. Định hướng chuyển đổi sớm sẽ giúp doanh nghiệp Việt có lợi thế cạnh tranh khi các quy định chính thức được áp dụng vào ngành dệt may.”
Một trong những lĩnh vực có thể bắt tay vào chuyển đổi ngay trong các nhà máy dệt may là đầu tư năng lượng sạch.
Theo đó, với vai trò định hướng cho các doanh nghiệp, tại Hội thảo, đại diện từ hai thương hiệu năng lượng mặt trời SolarEdge và LONGi sẽ cập nhật những công nghệ mới nhất hiện nay cũng như các tiêu chuẩn an toàn trong ngành năng lượng tái tạo để các doanh nghiệp có thêm tư liệu trong việc lựa chọn chuyển đổi bắt đầu từ nguồn năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, những ví dụ điển hình và bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển trong quá trình chuyển đổi tăng trưởng xanh cũng sẽ được phân tích dưới góc nhìn đa chiều từ những diễn giả khách mời, là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm chuyển đổi bền vững trong lĩnh vực dệt may, tài chính, năng lượng.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc VCCI-TP.HCM cho biết “Dệt may là một trong các ngành công nghiệp luôn phải chịu áp lực hàng đầu trước xã hội và người tiêu dùng về vấn đề ô nhiễm môi trường. Để củng cố thị phần xuất khẩu của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới, các doanh nghiệp Việt cần phải có định hướng chiến lược chuyển đổi rõ ràng, đồng bộ và hiệu quả để đón đầu các thay đổi sắp tới của thị trường, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, vốn là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.”
10 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may đối mặt với sụt giảm nghiêm trọng do thị trường toàn cầu giảm mua. Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 27,8 tỷ USD, giảm 12,5% (tương đươn giảm 4 tỷ USD), xuất khẩu xơ sợi đạt 3,65 tỷ USD, giảm 10,5%, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép 1,63 tỷ USD, giảm 14,6%...
Với những khó khăn về thị trường, sức mua hàng dệt may yếu tại, ngành dệt may dự liệu xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD, thấp hơn 4 tỷ USD so với năm 2022.